BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH TRÀ VINH TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TUYÊN TRUYỀN “KỸ NĂNG NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG CHỐNG LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG NĂM 2024”

Lừa đảo trực tuyến hiện là vấn nạn nhức nhối với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng” dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin, nhằm tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, giúp giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng năm 2024 đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Một số hình thức lừa đảo trực tiếp phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp như: lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa tình cảm, lừa đảo qua các chương trình khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng,… Dù đã xuất hiện từ lâu nhưng các thủ đoạn lừa đảo vẫn thành công do tìm cách lợi dụng, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt người bị hại theo kịch bản. Thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự là những hệ lụy to lớn mà các vụ lừa đảo trực tuyến gây ra, tạo nên làn sóng hoang mang, bức xúc trong dư luận.

 

Sổ tay “Kỹ năng nhận diện & phòng chống lừa đảo trực tuyến” được xây dựng bởi Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông

Thực hiện Công văn số 3291/SYT-NVY ngày 30/10/2024 của Sở Y tế Trà Vinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024” đến toàn thể cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện, người bệnh và người dân. Chiến dịch tập trung phổ biến 5 nhóm kỹ năng chính (kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ) nhằm nâng cao nhận thức, giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng cho cộng đồng.

 

            5 nhóm kỹ năng thuộc Sổ tay “Kỹ năng nhận diện & phòng chống lừa đảo trực tuyến”

Cụ thể:

  1. Kỹ năng nhận biết

Các đối tượng lừa đảo thường áp dụng các thủ đoạn tác động tâm lý để tiếp cận nạn nhân như: Tự nhận/giả mạo là cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, cán bộ đang làm việc tại các Bộ/Ngành...), đơn vị cung cấp dịch vụ, các tổ chức tài chính ngân hàng, gia đình bạn bè,... để đánh vào nỗi sợ hãi, lòng tham, tình cảm, chủ quan,...

  1. Kỹ năng phát hiện

Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biển hiện nay như: Qua gọi điện trực tiếp, qua tin nhắn (SMS)/Email), qua Website, qua phần mềm, qua mạng xã hội.

Phần lớn các hình thức lừa đảo trực tuyến đều có chung với những dấu hiệu như: Yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tài chính, đường dẫn và địa chỉ có các ký tự bất thường, giao diện lạ, chất lượng hiển thị kém, hứa hẹn về lợi ích và các chương trình khuyến mãi khủng, dụ dỗ làm nhiệm vụ nhận tiền hấp dẫn, yêu cầu đóng cọc, chuyển tiền khẩn cấp,…

  1. Kỹ năng xử lý

Kỹ năng xử lý là những kiến thức cơ bản và cần thiết giúp mọi đối tượng trên không gian mạng bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp phải trường hợp lừa đảo trực tuyến. Khi người dùng phát hiện bản thân đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trực tuyến, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc tài sản, việc áp dụng những kỹ năng xử lý nhanh gọn và chính xác là rất quan trọng. Việc phản ứng nhanh chóng và đúng cách cả trước, trong và sau khi bị lừa đảo có thể giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro tiếp theo.

Khi gặp lừa đảo trực tuyến, nên: Chủ động chặn và báo cáo các tin nhắn cuộc gọi, tìm kiếm thông tin trên mạng, gửi cảnh báo về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn.

Sau khi bị lừa đảo trực tuyến trong trường hợp bị dẫn dụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, nên: Dừng chuyển tiền, liên hệ ngay lập tức với ngân hàng, sao lưu lịch sử giao tiếp, giao dịch, cảnh báo cho gia đình và bạn bè.

Cách xử lý sau khi bị lừa đảo trực tuyến trong trường hợp bị mất các thông tin đăng nhập, chiếm quyền điều khiển thiết bị, nên: Liên hệ với ngân hàng hoặc các đơn vị tài chính, thay đổi toàn bộ mật khẩu có độ khó cao, kiểm tra thiết bị và hệ thống, cài đặt lại hệ thống thiết bị, trình báo lừa đảo, giám sát tài khoản và tín dụng, gửi cảnh báo về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, học hỏi từ kinh nghiệm để phòng tránh các tình huống tương tự trong tương lai.

  1. Kỹ năng phòng tránh

Kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến cung cấp các kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro trên internet. Dưới đây là các kỹ năng cơ bản và nâng cao giúp bạn phòng tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến hiệu quả.

Kỹ năng phòng tránh cơ bản:

  • Kiểm tra nguồn gốc thông tin
  • Cảnh giác với người lạ kết bạn qua mạng xã hội
  • Cảnh giác với email và tin nhắn lạ
  • Cẩn thận với các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài chính
  • Cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc hoặc chuyển khoản
  • Tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến

Kỹ năng phòng tránh nâng cao:

  • Bảo vệ thông tin cá nhân
  • Sử dụng mật khẩu dài và phức tạp
  • Thiết lập xác thực đa yếu tố (2FA)
  • Cập nhật phần mềm bảo mật
  • Kiểm tra và giám sát tài khoản tài chính
  • Sao lưu dữ liệu định kỳ
  1. Kỹ năng bảo vệ

Kỹ năng bảo vệ là việc xây dựng nền tảng kiến thức kiên cố với những “nguyên tắc vàng” để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi lừa đảo trực tuyến.

Bằng cách ghi nhớ và chia sẻ những nguyên tắc dưới đây, bạn có thể xây dựng một hàng rào bảo vệ vững chắc cho bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến. Cụ thể:

- Hãy chậm lại: Những đối tượng lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn, hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ và đặt câu hỏi tìm hiểu kỹ nội dung, thông tin để tránh bị dồn vào tình huống xấu.

- Kiểm tra tại chỗ: Tìm hiểu thêm để xác thực thông tin nhận được, bạn hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.

- Dừng lại! Không gửi: Không cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán tại chỗ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch không đáng tin, hãy dừng lại vì có thể đấy là dấu hiệu lừa đảo.

Và ghi nhớ quy tắc “6 Không”:

 

Trích Sổ tay “Kỹ năng nhận diện & phòng chống lừa đảo trực tuyến”

Đủ kiến thức, đủ kỹ năng, đủ ý thức bảo vệ bản thân là chìa khóa quan trọng trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh mong muốn tất cả cán bộ, nhân viên các khoa, phòng cũng như toàn thể người dân tích cực ứng dụng và chia sẻ những kiến thức hữu ích từ Sổ tay “Kỹ năng nhận diện & phòng chống lừa đảo trực tuyến” để nâng cao nhận thức và giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok,… để người dân theo dõi và trang bị thêm nhiều kiến thức.

Tải Sổ tay “Kỹ năng nhận diện & phòng chống lừa đảo trực tuyến” tại đây.

Tin: Thanh Xuân