Tr. ngồi thẩn thờ, ánh mắt vô hồn nhìn về cửa sổ phòng bệnh, mặc cho bác sĩ đang tư vấn về tình trạng bệnh thận, cần chạy thận cấp cứu, “Làm sao có thể như vậy, anh không thể suy thận mạn giai đoạn cuối được, trước giờ anh có từng bệnh gì đâu, chỉ thi thoảng đau đầu, tăng huyết áp đi mua thuốc uống thì giảm. Tình cờ, chỉ lần này đi khám sức khỏe, được xét nghiệm phát hiện suy thận kêu nhập viện. Giờ phải nhập viện, lại chạy thận, rồi suốt ngày sẽ chỉ quanh quẩn ở bệnh viện, nhà cửa ai lo đây?!”. Đây cũng là một trong những tình huống không hiếm gặp ở một bệnh nhân khi biết mình Suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Suy thận mạn là gì? Suy thận mạn (bệnh thận mạn) theo định nghĩa của Hội thận học quốc tế từ năm 2012(KDIGO 2012) : Bệnh thận mạn được định nghĩa là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng lên sức khỏe người bệnh. Những bất thường này có thể là : xuất hiện đạm trong nước tiểu, siêu âm bụng thấy thận đa nang hoặc 2 thận teo nhỏ, tiểu máu hoặc độ lọc cầu thận (GFR) nhỏ hơn 60ml/phút/1.73m2 da.
- Suy thận mạn biểu hiện ra sao? Bệnh thận mạn thường chia thành 5 giai đoạn, ở các giai đoạn đầu của bệnh (1,2,3) thường hầu như bệnh nhân không biểu rõ bên ngoài, người bệnh vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường. Ở những giai đoạn sau, đặc biệt ở giai đoạn cuối bệnh nhân mới biểu hiện rõ các triệu chứng : tăng huyết áp, phù toàn thân, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, chóng mặt, da niêm nhợt, khó thở, tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Do đó đa số khi bệnh nhân đến khám đa số đều ở giai đoạn muộn của bệnh như tình trạng của Tr. ở trên
- Hiện nay, trên thế giới tỷ lệ bệnh thận mạn khá cao : cứ 10 người thì sẽ có 1 người mắc bệnh thận mạn. Tại Việt Nam theo thống kê tỷ lệ bệnh thận mạn khoảng 12,8%, tức là cứ 100 người thì có hơn 12 người có bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn ảnh hưởng lên rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là ở giai đoạn cuối, nó không chỉ gây ảnh hưởng lên cơ thể người bệnh mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của họ do phải điều trị thay thế thận, phụ thuộc vào máy chạy thận, bệnh viện,…
- Vậy làm sao phát hiện sớm bệnh? Do bệnh diễn tiến âm thầm, nên chúng ta cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở những người có nguy cơ cao như : Đái tháo đường, tăng huyết áp, người lớn tuổi, có tiền căn bệnh thận trước đó. Để tầm soát bệnh sớm thường các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm 2 thận để tìm các dấu hiệu bất thường của thận. Từ đó nếu có triệu chứng, các bác sĩ có thể điều chỉnh sớm hơn, làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh để bệnh có thể hồi phục hoặc chậm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối lâu nhất có thể.
- Điều trị suy thận mạn như thế nào? Đối với các suy thận mạn giai đoạn sớm thường các bác sĩ sẽ tập trung điều chỉnh các nguyên nhân gây bệnh thận mạn, kiểm soát huyết áp, chế độ ăn, sinh hoạt hợp lý. Còn với các giai đoạn muộn (giai đoạn 4,5) thường ngoài việc tiếp tục các điều trị trên, bệnh nhân cần được tư vấn, chuẩn bị điều trị thay thế thận. Hiện nay, người ta có 3 cách điều trị thay thế thận là : ghép thận, lọc màng bụng, lọc máu (chạy thận nhân tạo). Với ghép thận thì thường sẽ tốn kém về chi phí và cần có thận phù hợp để ghép, tuy nhiên lợi thế của nó là giúp bệnh nhân có thể phục hồi tốt chức năng thận gần về với mức bình thường. Lọc màng bụng thì bệnh nhân có thể thực hiện cùng với người nhà tại nhà sau khi được hướng dẫn đầy đủ. Lọc máu thì bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế định kỳ thường là 3 lần trong tuần. Với các bệnh nhân ở giai đoạn 4 và 5 thường nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận để điều trị theo khuyến cáo.
- Phòng ngừa suy thận mạn như thế nào? Để phòng ngừa bệnh thận mạn, mọi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, trong đó cần chú ý vấn đề uống đủ nước (thường nhu cầu nước cơ thể cần khoảng 2 lít/ngày), ăn lạt (ít muối, mặn), với những người có nguy cơ bệnh thận mạn (tăng huyết áp, đái tháo đường,…) thì cần đi xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm,.. khám định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng, từ đó có những can thiệp kịp thời kiểm soát thận tốt hơn.
Quay lại với anh Tr. Sau một thời gian, anh cũng đã chấp nhận tình trạng bệnh của mình, hiện tại anh vẫn tiếp tục được chạy thận nhân tạo hàng tuần, sức khỏe cũng khá ổn định, vẫn có thể lao động nhẹ, cùng hòa nhập với cộng đồng, gia đình. Hy vọng rằng, anh cũng như cộng đồng sẽ cùng nhau tuyên truyền người dân trong việc phát hiện sớm bệnh thận mạn, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, để không phải suy thận mạn giai đoạn cuối hay chịu những cú sốc khi biết tình trạng bệnh của mình giống như anh.
Tin, bài: Bs.CKII.Thạch Sa Minh